Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
QUY ĐỊNH VỀ CHĂN NUÔI GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN XÃ HƯƠNG BÌNH (Dự thảo lấy ý kiến)
Ngày cập nhật 30/01/2018

Quy định về chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Hương Bình (Dự thảo lấy ý kiến)

ỦY BAN NHÂN DÂN                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  XÃ HƯƠNG BÌNH                                     Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hương Bình, ngày 10 tháng 01 năm 2018

 

QUY ĐỊNH

Về chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Hương Bình

(Ban hành kèm theo Quyết định số …../2018/QĐ-UBND ngày 10 /01/2018)

 
 

 

 

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1.  Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

           1. Quy định này nhằm cụ thể hóa các văn bản, quy định của cấp trên và những quy định riêng phù hợp với thực tế của xã liên quan đến xử lý các vi phạm về chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã.

          2. Quy định này áp dụng đối với những người vi phạm trong chăn nuôi gia súc đang hoạt động trên địa bàn xã.

Điều 2. Các hành vi bị cấm trong chăn nuôi:

1. Thả rông gia súc nơi công cộng.

2. Để gia súc phóng uế nơi công cộng; để gia súc phóng uế trên các trục đường thôn, trục đường xóm và tỉnh lộ 16 các đoạn đi qua khu dân cư mà không thu dọn; để xác gia súc, gia cầm chết gây ô nhiễm hoặc để tại điểm sinh hoạt chung của cộng đồng; nuôi gia súc gây mất vệ sinh công cộng, thải mùi hôi thối vào môi trường.

3. Làm chuồng trại không có hố xử lý phân; làm chuồng trại không đúng quy hoạch;

4. Đóng cọc, cột dây cho gia súc ăn trên các trục đường.

5. Để gia súc gây thiệt hại tài sản người khác như hoa màu, cây cối, gây hư hại các biển báo, biển chỉ dẫn, cổng thôn, cổng xóm, nhà sinh hoạt cộng đồng, lăng mộ và các công trình khác…

6. Thả gia súc trong rừng trồng dặm cây non, rừng trồng dưới 4 năm tuổi, rừng khoanh nuôi tái sinh đã có quy định cấm chăn thả gia súc.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHĂN NUÔI GIA SÚC

 

Điều 3. Biện pháp xử lý:

1. Những người vi phạm các hành vi quy định tại điều 2, chương I của Quy định này thì bị xử phạt theo Luật và các Nghị định sau:

- Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012.

- Nghị Định 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”.

- Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Ngoài các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phải chịu thêm chi phí cho Ban quản lý (BQL) xã và Tổ quản lý bảo vệ (TQLBV) thôn khi thực hành nhiệm vụ. Việc chịu thêm chi phí được quy định tại địa phương như sau:

- Chi trả công cho chủ bị hại và cán bộ của BQL xã, TQLBV thôn với mức chi trả 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện nhiệm vụ.

- Chi trả công chăm, giữ với số tiền 250.000 đồng/ngày đối với số lượng 01 con gia súc; 400.000 đồng/ngày đối với số lượng gia súc từ 02-05 con; 500.000 – 1.000.000 đồng/ngày đối với số lượng gia súc từ 5 con trở lên.

Điều 4. Giải quyết khi gia súc gây thiệt hại:

1. Đối với gia súc:

Sau khi gia súc được phát hiện gây hại cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khác và lập các thủ tục theo quy định. Tổ quản lý và bảo vệ thôn phối hợp với các thôn khác trên địa bàn xã thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thanh và các phương tiện khác về số lượng, vị trí gây hại và đặc điểm động vật gây hại để các chủ nuôi nhận diện, xác định vật nuôi của mình để làm việc với BQL xã để lập các thủ tục có liên quan để nhận lại gia súc.

Trường hợp sau 30 ngày thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không có chủ nuôi đến nhận động vật. BQL xã sẽ lập biên bản  (có sự tham gia của TQLBV thôn, mặt trận, đoàn thể xã, thôn) để xử lý theo quy định tại Mục 4, Điều 126 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với các chủ nuôi không chấp hành các quy định xử phạt:

Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để gia súc gây hại về người, tài sản và gây ô nhiễm môi trường không tuân thủ các quy định về xử phạt sẽ thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được quy định tại Điều 86 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Trình tự giải quyết:

1. TQLBV thôn: Khi tiếp nhận thông tin từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, phải thực hiện một số nội dung sau:

a) Cử thành viên trong TQLBV đến ngay hiện trường xảy ra xự việc theo thông tin phản ảnh đồng thời báo cáo ngay thông tin về BQL xã để phối hợp xử lý.

b) Phối hợp với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có liên quan bảo vệ hiện trường trước khi BQL xã lập các thủ tục theo quy định.

c) Phối hợp với các thôn trên địa bàn xã thông báo về số lượng, đặc điểm gia súc phá hoại, gây ô nhiễm… để các chủ nuôi biết và thực hiện theo các quy định.

d) Báo cáo, kiến nghị với BQL xã những khó khăn, vướng mắt xảy ra tại địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

2. BQL xã tiếp nhận thông tin từ TQLBV thôn và từ các nguồn thông tin khác về các hành vi vi phạm của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khi để gia súc gây ra các thiệt hại của nhân dân, vi phạm về vệ sinh môi trường và các vi phạm về lợi ích công cộng khác phải cử ngay cán bộ trực tiếp đến hiện trường để thực hiện các công việc sau:

a) Lập biên bản vi phạm đồng thời xác định rõ các thiệt hại về người, tài sản, mức độ gây ô nhiễm về môi trường;

b) Báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã;

c) Lập biên bản vi phạm và xác định mức độ thiệt hại ban đầu, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã báo cáo UBND Thị xã xin ý kiến khi mức độ vi phạm nghiêm trọng, vượt thẩm quyền xử lý của UBND xã.

Điều 6. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức:

Tất cả mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất và có trách nhiệm phản ảnh, góp ý kiến để việc chăn nuôi gia súc đảm bảo an toàn, không gây hại về người, tài sản và đảm bảo vệ sinh môi trường chung.

1. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng:

          a) Trước hết các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khi tham gia sản xuất phải chủ động bảo vệ các tài sản do mình sản xuất. Phải báo cáo cho Tổ quản lý bảo vệ nơi mình cư trú khi phát hiện gia súc làm ảnh hưởng đến môi trường, gây hại làm thiệt hại đến hoa màu, tài sản của mình.

          b) Chủ động bảo vệ hiện trường, bắt giữ, trông coi gia súc khi có thể.

c) Phối hợp với Tổ quản lý bảo vệ, bảo vệ hiện trường, nhận diện, bắt giữ gia súc trực tiếp gây hại để báo cáo BQL xã, lập biên bản, xác định mức độ thiệt hại ban đầu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Trách nhiệm của chủ nuôi:

          a) Thực hiện nghiêm các quy định tại điều 2, chương I của quy định này.

b) Chăn nuôi, chăm sóc gia súc đảm bảo theo các quy định hiện hành của Pháp luật nhất là đảm bảo về chuồng trại, tiêm phòng vắc xin….

          d) Thường xuyên theo dõi, kiểm soát gia súc, tránh tình trạng thả rông gây thiệt hại về người, hoa màu, tài sản…. và gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng các công trình công cộng.

          c) Chấp hành các quy định về xử phạt hành chính và bồi thường các thiệt hại về người, hoa màu, tài sản khi để gia súc của mình gây ra cho người khác.

3. Các hội, đoàn thể, mặt trận cấp xã, thôn có trách nhiệm phối hợp, thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân trên các phương diện để cho mọi người cùng có trách nhiệm, nâng cao ý thức và thực hiện tốt các quy định đối với người chăn nuôi và cộng đồng dân cư.         

4. Những người tham gia, phát hiện và ngăn chặn sự gây hại của gia súc sẽ được khen thưởng. Ngược lại người phát hiện, không ngăn chặn gia súc gây hại dẫn đến hậu quả xấu sẽ bị khiển trách, xử phạt theo quy định.

Điều 7. Tổ chức thực hiện:

1. Thành lập Ban Quản lý cấp xã do Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, BQL tham mưu Chủ tịch UBND xã các hình thức xử lý vi phạm do các chủ nuôi để gia súc gây ra các thiệt hại.

2. Thành lập Tổ quản lý, bảo vệ cấp thôn: Mỗi thôn thành lập một Tổ quản lý, bảo vệ do Thôn trưởng làm Tổ trưởng; Công an viên làm Tổ phó và các đoàn thể thôn làm thành viên.

3. Kinh phí hoạt động của BQL xã, TQLBV thôn.

Nguồn kinh phí để BQL xã, TQLBV thôn hoạt động từ nguồn hỗ trợ của ngân sách xã và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.

4. Công chức Văn hóa- Xã hội hướng dẫn các thôn bổ sung vào Quy ước, Hương ước thôn văn hóa.

5. Quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu phát sinh những quan hệ xã hội mà trong Quy định chưa đề cập thì tiếp tục bổ sung vào Quy định để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đính kèm các hình thức xử phạt theo: Nghị định 167/2013/NĐ-CP; Nghị định 157/2013/ NĐ-CP; Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13. (Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi)

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng:

(Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung: Nghị định 167/2013/NĐ-CP

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

        d) Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng;

          e) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.

          Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng: Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;

Điều 29. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu: Luật xử lý VPHC

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung: Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Điều 16. Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 17. Chăn thả gia súc trong những khu rừng đã có quy định cấm: Nghị định 157/2013/ NĐ-CP

Người chăn thả gia súc trong những khu rừng đã có quy định cấm bị xử phạt như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn thả gia súc trong rừng trồng dặm cây con, rừng trồng mới đến bốn năm tuổi, rừng khoanh nuôi tái sinh đã có quy định cấm chăn thả gia súc.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác: (Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

Điều 10. Tình tiết tăng nặng: Luật xử lý VPHC

1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:

b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;

c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

Điều 126. Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính: Luật xử lý VPHC

4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này.

7. Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 của Luật này.

Tập tin đính kèm:
Trần Viết Tuấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.030.529
Truy cập hiện tại 325