Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NĂM 2020
Ngày cập nhật 01/11/2021

Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế số 70/2020/QH14. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế (Pháp lệnh 2007) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/04/2007 đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (TTQT). Kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01/07/2007) cho đến thời điểm hiện tại, theo số liệu ghi nhận tại Bộ Ngoại giao, các cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của các tổ chức đã ký tổng cộng 2.107 TTQT, trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký 1.109 TTQT, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký 821 TTQT. Tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thực thi Pháp lệnh 2007 cho thấy, Pháp lệnh 2007 này cùng với pháp luật về điều ước quốc tế (Luật Điều ước quốc tế (ĐƯQT) năm 2016 thay thế cho Luật Ký kết và thực hiện ĐƯQT năm 2005) đã phục vụ tích cực cho việc triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời gian qua.

Các TTQT (không phải ĐƯQT) được ký kết và triển khai trên nhiều kênh, bao gồm các chủ thể được quy định tại Pháp lệnh 2007 (Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của các tổ chức) và cả cấp đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan cấp tỉnh. Nội dung hợp tác theo các TTQT trải rộng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác nước ngoài khác nhau. Việc ký kết và thực hiện các TTQT thời gian qua đã thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các cấp, các ngành, các tổ chức của nước ta với các đối tác nước ngoài, góp phần không chỉ thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, qua nhiều kênh, mà còn góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp như bảo vệ chủ quyền biển đảo, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, qua đó tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, triển khai nhiều chương trình kinh tế, xã hội, trong đó có xóa đói, giảm nghèo, khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế của nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 cũng cho thấy có một số bất cập do có những vấn đề phát sinh hoặc do thay đổi quy định pháp luật có liên quan, đặt ra yêu cầu hoàn thiện quy định về TTQT.

Việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế. Chủ trương hội nhập quốc tế (không chỉ gồm hội nhập kinh tế quốc tế) được quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013. Chủ trương của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đã được nêu rõ trong nhiều văn bản của Đảng, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 và Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh trọng tâm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục đích chỉ đạo việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế

Mục đích chỉ đạo việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế là nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh Quốc hội, Nhà nước, nhân dân; bảo đảm chất lượng và tính khả thi của Luật. Đồng thời, quy phạm hóa 4 chính sách đã được thông qua tại giai đoạn Đề nghị xây dựng Luật gồm: Chính sách 1, quy định rõ nội dung, tính chất của thỏa thuận quốc tế theo hướng phân biệt với điều ước quốc tế, đồng thời phân biệt với hợp đồng/thỏa thuận về giao dịch về dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư; chính sách 2, mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với chủ trương, nhu cầu và thực tiễn hợp tác quốc tế hiện nay; chính sách 3, xác định rõ và đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối với công tác ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế; chính sách 4, đơn giản hóa trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

III. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT

1. Kết cấu của Luật

Luật gồm 07 chương, 52 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Chương 1 (từ Điều 1 đến Điều 7) về những quy định chung, quy định: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; nội dung quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; tên gọi của thỏa thuận quốc tế; Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế.

Chương 2 (từ Điều 8 đến Điều 31) về Ký kết Thỏa thuận quốc tế, gồm 10 mục, cụ thể:

Mục 1 - Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký kết

Mục 2 - Ký kết Thỏa thuận Quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước.

Mục 3 - Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Mục 4 - Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 Mục 5 - Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

Mục 6 - Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng Cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ở Khu vực biên giới quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.

Mục 7 - Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức quy định thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức; ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.

Mục 8 - Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; Thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư; Thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư; ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Mục 9 – Hồ sơ lấy ý kiến, hồ sơ trình và trách nhiệm cho ý kiến về đề xuất ký kết Thỏa thuận quốc tế quy định về hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế; hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế; nội dung Bộ Ngoại giao cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế; nội dung các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế;

Mục 10 – Ký kết Thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao  quy định ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao

Chương 3 (từ Điều 32 đến Điều 34) về hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế quy định về Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế; sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Chương 4 (từ Điều 35 đến Điều 41) về trình tự thủ tục rút gọn, quy định: điều kiện áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế; trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước; trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội; trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức; hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn; sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chương 5 (từ Điều 42 đến Điều 43), về thực hiện Thỏa thuận quốc tế, quy định: trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức trong việc thực hiện thỏa thuận quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trong việc thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Chương 6 (từ Điều 44 đến Điều 50) về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cơ quan Trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức; kinh phí ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, quy định: trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; trách nhiệm của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp tỉnh; trách nhiệm của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức; kinh phí ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Chương 7 (Từ Điều 51 đến Điều 52) về điều khoản thi hành, quy định: hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.

2. Một số nội dung chủ yếu của Luật

2.1. Về ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ  

- Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, bao gồm:

“Điều 8. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ

1. Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ”

- Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, quy định:

“Điều 9. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.

4. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.

5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết”.

- Cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, quy định:

“Điều 10. Cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trên cơ sở văn bản đồng ý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký”

- Rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký kết:

“Điều 11. Rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký kết

Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức”.

2.2. Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước 

- Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, bao gồm:

“Điều 12. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước

1. Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội.

2. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình.

3. Tổng Thư ký Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế thuộc thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội.

4. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Quốc hội.

5. Người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

6. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Kiểm toán nhà nước”.

- Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, quy định:

“Điều 13. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước

1. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.

3. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Luật này quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.

4. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:

a) Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trình Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại của Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế và phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại của Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này và ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại của Quốc hội do cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước trình, Chủ tịch Quốc hội quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;

c) Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Chủ tịch Quốc hội.

5. Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước báo cáo Chủ tịch Quốc hội bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết”.

2.3. Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

- Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bao gồm:

“Điều 14. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước.

2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối cao.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

- Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quy định:  

“Điều 15. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.

3. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.

4. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:

a) Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm trình Chủ tịch nước cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Cơ quan trình phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này, Chủ tịch nước cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;

c) Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Chủ tịch nước.

5. Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Chủ tịch nước bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết”.

2.4. Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ 

- Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, gồm:

“Điều 16. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”.

- Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, quy định:

“Điều 17. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.

4. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Cơ quan trình phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;

c) Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết”.

2.5. Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan Nhà nước cấp tỉnh

- Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh, gồm:

“Điều 18. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh

1. Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

- Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh, quy định:

“Điều 19. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh

1. Cơ quan nhà nước cấp tỉnh gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.

3. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 18 của Luật này quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.

4. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:

a) Cơ quan nhà nước cấp tỉnh có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Cơ quan trình phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;

c) Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

5. Cơ quan nhà nước cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết”

2.6. Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng Cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới

- Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới, bao gồm:

“Điều 20. Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới”.

2.7. Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan Trung ương của tổ chức và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức

- Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức:

“Điều 21. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức

Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức sau khi có văn bản đồng ý của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức”.

- Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức, quy định:

“Điều 22. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức

1. Cơ quan trung ương của tổ chức gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hợp tác và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.

3. Cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm trình cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này, cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế.

5. Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi có văn bản đồng ý của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức.

6. Cơ quan trung ương của tổ chức báo cáo cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết”.

- Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức, quy định:

“Điều 23. Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức

1. Cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.

2. Chính phủ quy định chi tiết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức”.

2.8. Ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; Thỏa thuận quốc tế liên quan đến Quốc phòng, an ninh, đầu tư; Thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân

- Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức, quy định:

“Điều 24. Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức

1. Trường hợp hai hoặc nhiều cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài, các cơ quan, tổ chức này thống nhất bằng văn bản chỉ định cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết. Trong trường hợp không thống nhất được cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết thì báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định.

2. Cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết có trách nhiệm lấy ý kiến, trình cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có ý kiến khác nhau, tổ chức ký kết và báo cáo theo quy định tại Mục 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Chương này”.

- Ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, quy định:

“Điều 25. Ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư

1. Trường hợp ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, ngoài việc thực hiện theo quy định tại các điều 9, 13, 15, 17, 19, 22 và 24 của Luật này, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.

2. Trường hợp ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến an ninh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, ngoài việc thực hiện theo quy định tại các điều 9, 13, 15, 17, 19, 22 và 24 của Luật này, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an.

3. Trường hợp ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại các điều 9, 13, 15, 17, 19, 22 và 24 của Luật này, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Cơ quan được lấy ý kiến quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này”.

- Ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, quy định:  

“Điều 26. Ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này”.

2.9. Hồ sơ lấy ý kiến, hồ sơ trình và trách nhiệm cho ý kiến về đề xuất ký kết Thỏa thuận quốc tế

- Hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế:

“Điều 27. Hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế

Hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 19 và khoản 1 Điều 22 của Luật này bao gồm:

1. Văn bản đề xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Yêu cầu, mục đích của việc ký kết thỏa thuận quốc tế;

b) Nội dung chính của thỏa thuận quốc tế;

c) Đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

d) Đánh giá tác động của thỏa thuận quốc tế về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác;

đ) Việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này;

e) Tính khả thi, hiệu quả của thỏa thuận quốc tế;

2. Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo”.

- Hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế:

“Điều 28. Hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế

Hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 9, khoản 4 Điều 13, khoản 4 Điều 15, khoản 4 Điều 17, khoản 4 Điều 19 và khoản 4 Điều 22 của Luật này bao gồm:

1. Văn bản đề xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó bao gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này và vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến (nếu có), đề xuất về việc ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế (nếu có);

2. Ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 22 và khoản 4 Điều 25 của Luật này;

3. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến;

4. Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo”.

- Nội dung Bộ Ngoại giao cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế, bao gồm:

“Điều 29. Nội dung Bộ Ngoại giao cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Sự cần thiết, mục đích ký kết thỏa thuận quốc tế trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

2. Đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Đánh giá nội dung của thỏa thuận quốc tế đối với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

5. Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký kết, cấp ký kết, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản thỏa thuận quốc tế.

6. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế.

7. Tính thống nhất của văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng nước ngoài”.

- Nội dung các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế, quy định:

“Điều 30. Nội dung các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Đánh giá sự phù hợp giữa nội dung hợp tác quốc tế của thỏa thuận quốc tế và chủ trương hợp tác quốc tế của ngành, lĩnh vực trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh (nếu có).

2. Đánh giá sự phù hợp giữa nội dung của thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

3. Đánh giá tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế”.

2.10. Ký kết Thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao

Ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao, quy định:

“Điều 31. Ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao

1. Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoặc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hoàn thành thủ tục ký và hoàn thiện dự thảo thỏa thuận quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký trong chuyến thăm của đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.

2. Bộ Ngoại giao hoặc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chủ trì hoặc phối hợp rà soát, đối chiếu văn bản cuối cùng của thỏa thuận quốc tế; Bộ Ngoại giao hoặc Văn phòng Quốc hội phối hợp với bên nước ngoài tổ chức lễ ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam”.

2.11. Về hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện Thỏa thuận quốc tế

- Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế:

“Điều 32. Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế

1. Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó.

2. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế không quy định về hiệu lực thì thỏa thuận quốc tế đó có hiệu lực theo sự thống nhất bằng văn bản giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài”.

- Sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế:

“Điều 33. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế

1. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế đó.

2. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế được tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật này.

3. Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Chương II của Luật này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn có hiệu lực”.

- Chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế:  

“Điều 34. Chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế

1. Thỏa thuận quốc tế có thể bị chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

2. Bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi thỏa thuận quốc tế nếu quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế đó.

4. Trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế được tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật này.

5. Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Chương II của Luật này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế có hiệu lực”.

3. Một số nội dung mới của Luật

Thứ nhất, mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế: được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007, Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đã được quy định tại Điều 12, Hiến pháp năm 2013 và thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng. Trong đó có Nghị quyết số 22-Q/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 và Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nội dung các nghị quyết nhấn mạnh trọng tâm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế còn nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Điều ước quốc tế, Luật Quản lý nợ công. Đồng thời, khắc phục những bất cập, khó khăn đã bộc lộ trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế, bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta.

Thứ hai, quy định về trình tự, thủ tục rút gọn: Luật Thỏa thuận quốc tế lần này còn bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ. Luật cũng bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thỏa thuận quốc tế này.

Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Việc ban hành Luật có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội, đối ngoại, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và nhu cầu đối ngoại./.

 

 

 

CTV. Hữu Trinh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.033.345
Truy cập hiện tại 39