Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TUYÊN TRUYỀN ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM VÀO MÙA HÈ
Ngày cập nhật 15/05/2023

Mùa hè  đã đến cũng là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao. Tuy nhiên cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi mà việc phổ biến, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ em vẫn rất hạn chế.

 

 

Mùa hè  đã đến cũng là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao. Tuy nhiên cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi mà việc phổ biến, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ em vẫn rất hạn chế.

Trẻ em  là những chủ nhân tương lai của đất nước, bên cạnh việc tạo  điều kiện để trẻ phát triển toàn diện cần có những biện pháp hữu hiệu phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho trẻ nhiều nhất hiện nay có thể kể đến là tai nạn đuối nước. Tai nạn đuối nước thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, nó gây ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Hằng năm mỗi dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra đồng, sông, suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… nên cũng rất dễ có nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác, nhiều gia đình còn thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông, suối tắm mà không có người lớn đi cùng, nhiều vùng ao, hồ, sông, suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm… Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp của người lớn kịp thời. Bên cạnh đó, bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người tìm đến với sự mát mẻ của sông, suối,  và đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ tai nạn chết đuối. 

Tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở biển, sông, suối, ao, hồ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, thì do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Hiện nay, ở các khu vực có nhiều sông, suối và gần biển những nơi có tỷ lệ đuối nước ở trẻ em vào mùa hè cao, các em đều được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao, biển tắm, mà thiếu những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản như khởi động trước khi xuống bơi,… nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường thấy lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong. Thêm vào đó, các em cũng cần phải được nhắc nhở nên tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún, các khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm, và đặc biệt phải luôn lưu ý đến các biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng trông nom. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn. Ngoài ra, trong nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đuối nước để khi xảy ra trường hợp đuối nước áp dụng kịp thời. Đồng thời, các bậc cha mẹ phải cộng tác chặt chẽ với các cấp chính quyền, Đoàn Thanh niên xã để giúp các em có một mùa hè vui vẻ và an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn phòng, chống đuối nước tại cộng đồng, đầu tư ngân sách địa phương và kế hoạch xây dựng các bể bơi, hồ bơi cho trẻ để hạn chế tình trạng đuối nước xuống mức thấp nhất.

Một số vụ đuối nước thương tâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023

Chiều 11/5, thông tin từ UBND xã Phong Bình, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trên địa bàn xã Phong Bình vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 1 nam sinh 7 tuổi tử vong. Vào khoảng 17 giờ chiều 10/5, sau khi đi học về, em N.T.G.P. (7 tuổi), trú ở thôn Tây Phú (xã Phong Bình) đi câu cá ở gần nhà. Trong quá trình câu cá, em P không may bị trượt chân, rơi xuống khu vực nước sâu và tử vong sau đó.

Theo UBND xã Phong Bình, em P. đang là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phong Bình, là con trai duy nhất và là con út trong gia đình có 3 người con. Gia đình em P. thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo chính quyền địa phương và nhà trường đã đến thăm hỏi, động viên và chia buồn cùng với gia đình sớm vượt qua đau thương mất mát; bà con hàng xóm cũng đã đến lo tổ chức hậu sự cho cháu bé. 

Trước đó, khoảng 14 giờ chiều 9/5, em T.H.H. học sinh lớp 8/1 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thủy Tân, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đi chơi cùng bạn, khi đến đập tràn ở khu vực hồ Bàu Họ thuộc thôn 1A xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), cả nhóm rủ nhau xuống tắm. Trong lúc đang tắm, thấy T.H.H. có biểu hiện đuối nước, nhóm bạn đi cùng chạy lên bờ gọi người đến tiếp cứu nhưng không kịp.

Vào trưa 8/5, cháu L.T.B.C. (10 tuổi), ở thôn 3, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) cùng với 2 người bạn đi bắt ốc tại một hồ nuôi cá cách nhà khoảng 500m. Tại đây, trong lúc bắt ốc, cháu C. bị trượt chân xuống chỗ nước sâu nên bị đuối nước. Thấy vậy, 2 người bạn đi cùng chạy về kêu cứu với mẹ cháu C. Tuy nhiên, khi người mẹ ra đến nơi thì cháu C. đã bị chìm, tử vong. Cùng với sự hỗ trợ của người dân, thi thể của cháu C. sau đó được đưa về nhà lo hậu sự.

Theo UBND xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà), gia đình cháu C. thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn.

 Nói tóm lại, phòng chống đuối nước là trách nhiệm của toàn xã hội và cần được triển khai với sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở con trẻ về ý thức phòng, chống đuối nước. Hơn lúc nào hết chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, tránh nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.026.984
Truy cập hiện tại 207