Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
CẢNH BÁO CÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO QUA MẠNG XÃ HỘI
Ngày cập nhật 05/08/2022

Thời gian qua, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook, Zalo bị hack tài khoản cá nhân, sau đó kẻ gian sử dụng tài khoản này để nhắn tin đến người thân, bạn bè của chủ tài khoản hỏi mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Cụ thể, các đối tượng thường dò tìm mật khẩu hoặc gửi đường link chứa mã độc đến tài khoản Facebook, Zalo cá nhân của người khác rồi lừa chiếm đoạt tài khoản. Sau khi có được tài khoản cá nhân, các đối tượng gửi tin nhắn vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... Đa số các tin nhắn lừa đảo trên đều có lý do cần tiền gấp và hứa sẽ trả trong thời gian ngắn. Nhiều người tưởng đó là người quen nên đã mắc bẫy kẻ gian và bị mất tiền từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng chục triệu đồng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Đồng thời, cơ quan chức năng mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tập trung điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội... Tuy nhiên, quá trình phòng ngừa, đấu tranh, lực lượng công an còn gặp một số khó khăn như: Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có trình độ công nghệ thông tin cao, hoạt động tinh vi và có phương thức tẩu tán tài sản nhanh. Đối tượng phạm tội trên diện rộng, gây khó khăn trong công tác xác minh; nhiều bị hại không đến cơ quan công an trình báo...

Để tự bảo vệ mình, người sử dụng mạng xã hội tuyệt đối không bấm vào đường link lạ, không bấm xem các bài viết bị gắn thẻ có chứa đường link độc hại, kiểm tra kỹ các đường link khi bạn bè, người thân nhờ chia sẻ. Nếu tài khoản cá nhân bị hack phải thông báo rộng rãi để bạn bè, người thân cùng nắm được. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thư điện tử cho người khác nếu chưa xác minh chính xác được người nhận là ai. Khi nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân qua mạng xã hội hỏi vay tiền thì cần gọi điện thoại lại để xác minh sau đó mới chuyển tiền. Ngoài ra, người dân nên chia sẻ rộng rãi qua  Facebook, Zalo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội để mọi người cùng biết và phòng tránh; chủ động cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội và thay đổi mật khẩu để tăng độ an toàn cho tài khoản. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mua bán hàng hóa qua mạng, chuyển, nhận tiền online trở thành xu hướng, đây cũng là thời điểm để các đối tượng xấu lợi dụng người bị hại thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức về giao dịch tiền điện tử, hám lợi ích... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Theo thống kê, trong các tháng gần đây ở địa bàn các xã Bình Thành, Bình Tiến và Hương Bình, và trên địa bàn toàn tỉnh TT. Huế xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình trên, Công an xã Hương Bình cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn về loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng để người dân cẩn trọng, không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Cụ thể:

Thủ đoạn giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án: Đây là loại tội phạm có tổ chức, chúng sử dụng công nghệ chuyển đổi cuộc gọi Internet thành cuộc gọi thoại, gọi điện giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Bưu điện... thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, như: ma túy, rửa tiền, tai nạn giao thông..., chúng làm giả các lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan Công an để đe doạn, sau đó yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại hệ điều hành Androi để tải và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ Công an” do các đối tượng cung cấp; Ứng dụng này thông báo cho bị hại các lệnh bắt, lệnh tạm giam giả để đánh vào tâm lý lo sợ, buộc phải làm theo yêu cầu của đối tượng. Đối với bị hại sử dụng điện thoại Iphone do tính năng kiểm duyệt chặt chẽ nên các App không có trên Apple Store thì việc thực hiện đăng nhập theo yêu cầu của đối tượng thông qua đường link do chúng gửi. Sau khi cài đặt ứng dụng, đăng nhập đường link thì toàn bộ các thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP được âm thầm chuyển về máy chủ của đối tượng, sau đó các đối tượng truy cập vào tài khoản để chiếm đoạt, hoặc đối tượng yêu cầu bị hại mở 1 tài khoản mới, rút tiền từ các tài khoản khác, sổ tiết kiệm để chuyển vào tài khoản mới mở, các đối tượng thu thập các thông tin trên điện thoại bị hại sau đó tự đăng ký dịch vụ Internet Bankinh, chuyển toàn bộ tiền từ khoản mới của bị hại vào tài khoản của đối tượng.

Thủ đoạn thông qua hình thức bán hàng, mua hàng: Đối tượng vào vai người bán hàng với thủ đoạn cung cấp các mặt hàng tốt nhưng giá rẻ, hời để đánh vào tâm lý, lòng tham của bị hại, sau khi bị hại chuyển tiền cọc hàng xong thì chặn liên lạc với bị hại. Ngoài ra, đối tượng còn có thể vào vai người mua hàng, để người bị hại tin, đối tượng sẽ gửi cho bị hại một đường link (có tên giống với ngân hàng), yêu cầu bị hại đăng nhập vào đường link điền thông tin về số tài khoản, mật khẩu, mã OTP để nhận tiền cọc; bị hại nhập xong thì đối tượng đã chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng Internet Banking và tự động chuyển tiền từ tài khoản của bị hại sang tài khoản của đối tượng.

Lừa đảo qua các mạng xã hội: Đối tượng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị... sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng. Khuyến cáo người dân khi có người quen mượn tiền, xin tiền, nhờ nhận hộ tiền qua mạng xã hội thì tuyệt đối không tin tưởng ngay, phải gọi điện vào số điện thoại để xác minh, xem đúng mặt, đúng người thì mới đồng ý làm theo, chú ý cảnh giác các đặc điểm bất thường.

Thủ đoạn cho vay tiền qua App (ứng dụng vay tiền online): Thủ đoạn này đánh vào tâm lý của bị hại “làm hồ sơ online, tiền vay được duyệt nhanh chóng, lãi suất cực thấp”, các đối tượng thường sẽ tạo các trang trên Facebook, zalo và các mạng xã hội khác, chạy quảng cáo để tiếp cận được nhiều người. Nhóm đối tượng sau khi thuyết phục được bị hại vay thường sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để bị hại tải các ứng dụng này về điện thoại và làm theo hướng dẫn của App. Bị hại đăng nhập số tài khoản vào thì hệ thống luôn luôn báo nhập thiếu, sai, thừa một số tài khoản nên hợp đồng vay bị khóa, đây là 1 thủ đoạn của đối tượng tạo cho bị hại tình thế cấp thiết, muốn vay bằng được. Đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền cọc vào để mở lại, tiếp sau đó phải chuyển tiền để giải ngân (sau khi giải ngân sẽ được trả lại số tiền đã chuyển và cả số tiền vay). Cứ như vậy, nhiều bị hại rơi vào tình thế “đã mất tiền phải theo đến cùng” tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng cho đến khi nghi ngờ không chuyển nữa thì đối tượng thông báo “nếu không chuyển tiếp thì cũng sẽ không lấy lại được toàn bộ số tiền đã chuyển”.

 Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, đề nghị nhân dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin các nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy. Thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiết bị cá nhân kết nối, truy cập các dịch vụ trên không gian mạng bằng các công cụ bảo mật, phần mềm diệt virus mạnh. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

Tấn Nguyên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.028.989
Truy cập hiện tại 89