Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU, PHỔ BIẾN PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Ngày cập nhật 26/09/2023

Ngày 28/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (sau đây viết tắt là Pháp lệnh). Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH

1. Về cơ sở pháp lý

Pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở pháp lý gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, cụ thể:

1.1. Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Ngày 26/11/2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Tại khoản 3 Điều 1 của Luật quy định: “6a. Xphạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này cần cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN).

1.2. Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2021. Luật đã quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN, cụ thể như sau:

- Về mức phạt tiền tối đa: Điểm c khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực KTNN là 50.000.000 đồng.

- Về thẩm quyền xử phạt: Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC quy định thẩm quyền xử phạt của KTNN như sau: 

(i) Trưởng Đoàn kiểm toán có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 30.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý VPHC năm 2012;

          (ii) Kiểm toán trưởng có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý VPHC năm 2012; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý VPHC năm 2012.

- Về thẩm quyền cưỡng chế: Khoản 44 Điều 1 quy định Kiểm toán trưởng là một trong những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC cũng quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt VPHC (khoản 3 Điều 1): “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN…”.

2. Cơ sở thực tiễn

Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trải qua gần 30 năm hoạt động, quy mô hoạt động của KTNN ngày càng được mở rộng, chất lượng và hiệu quả kiểm toán tăng dần qua từng năm. Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hệ thống chuẩn mực KTNN đến các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay chưa có đầy đủ quy định về cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; thiếu chế tài cụ thể nên chưa xử lý các vi phạm, như: Hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; báo cáo sai lệch, không chính xác, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN; không chấp hành quyết định kiểm toán; không lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư, kế hoạch thu, chi, báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho KTNN theo yêu cầu; không ký biên bản kiểm toán; không báo cáo hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán,...

Mặt khác, do chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN ở cấp độ hành chính nên từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, chưa có cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm này. Trường hợp xảy ra vi phạm trong hoạt động kiểm toán, KTNN đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 11 Luật KTNN). Theo hướng này thường thì vi phạm không được xử lý kịp thời; phụ thuộc vào cơ quan, người có thẩm quyền, trong khi đó thời gian 1 cuộc kiểm toán thông thường là 60 ngày. Trong hầu hết các trường hợp, KTNN chỉ có thể sử dụng những phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ nhằm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, tính nghiêm minh của Luật KTNN.

3. Tính đặc thù trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước

KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn cao, thể hiện ở 02 khía cạnh sau:

Thứ nhất, theo Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN, “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”; “Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện”, KTNN không có chức năng quản lý hành chính nhà nước. Hoạt động xử phạt VPHC ở cơ quan ngoài hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mới chỉ có Tòa án là cơ quan tư pháp có chức năng xử phạt theo quy định tại Điều 48 của Luật Xử lý VPHC và Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý VPHC:“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, các hành vi cản trở hoặc gây khó khăn trong thực hiện kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cần phải xử lý để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.

- Thứ hai, theo Hiến pháp năm 2013, hoạt động kiểm toán của KTNN có đối tượng và phạm vi rất rộng, bao gồm mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công. Trong Luật KTNN, đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đây chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.

4. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, áp dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn tại Việt Nam

Đại hội lần thứ XIX của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) tại Mêhicô thông qua, phát hành và phổ biến tài liệu nhan đề “Tuyên bố Mêhicô về tính độc lập” của cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đã ghi nhận 08 nguyên tắc cốt lõi trong Tuyên bố Lima và các quyết định tại Đại hội INTOSAI lần thứ XVII (tại Xơ-un, Hàn Quốc) như là các yêu cầu thiết yếu để kiểm toán khu vực công một cách thỏa đáng. Trong đó, tại Nguyên tắc thứ 3 (Nhiệm vụ đủ rộng và toàn quyền quyết định khi thực hiện chức năng của SAI) ghi nhận: Trong khi phải chấp hành các luật do Cơ quan lập pháp ban hành áp dụng đối với mình, SAI phải hoàn toàn miễn khỏi sự chỉ đạo hoặc can thiệp từ Cơ quan lập pháp hay Cơ quan hành pháp khi cưỡng chế thực hiện các quyết định của mình nếu việc áp đặt các chế tài phạt là một trong các nhiệm vụ của SAI.

Trên thế giới, pháp luật về kiểm toán của nhiều nước quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động kiểm toán, như: Luật KTNN Liên bang Nga (khoản 9 Điều 36); Luật KTNN Trung Quốc có quy định về trách nhiệm, thẩm quyền và mức phạt trong hoạt động kiểm toán, trong đó Điều 40 quy định trách nhiệm xem xét quyết định xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt, Điều 47 quy định về mức phạt tối đa, Điều 49 quy định xử lý các vi phạm liên quan đến các quy định của Nhà nước về vấn đề thu chi tài chính do đối tượng bị kiểm toán vi phạm, Điều 50 quy định trách nhiệm của Văn phòng kiểm toán Quốc gia…; Luật KTNN Hàn Quốc (Điều 51)... Nhìn chung, các quy định về xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN của các nư­ớc có thể khác nhau về mức độ, nội dung cụ thể, nhưng về cơ bản đều chung mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện Luật KTNN, đáp ứng kỳ vọng của các nhà nước đó về vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc lành mạnh hóa nền tài chính, tài sản công.

Với những lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH CỦA PHÁP LỆNH

1. Quan điểm xây dựng Pháp lệnh

1.1. Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTNN.

1.2. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của Pháp lệnh Xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính tương thích các quy định của pháp luật về xử phạt VPHC.

1.3. Xây dựng và phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho KTNN có quyền trong việc đề xuất xử lý hoặc xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN, có như vậy việc thực thi Luật KTNN mới nghiêm minh.

1.4. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực KTNN. Mọi VPHC phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay; việc xử phạt VPHC phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

1.5. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

2. Mục tiêu chính sách

2.1. Xây dựng Pháp lệnh tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất về xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN.

2.2. Xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN, qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực KTNN.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LỆNH

1. Bố cục của Pháp lệnh

Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, cụ thể:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 07 điều, từ Điều 1 đến Điều 7.

- Chương II: Hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KTNN, gồm 07 điều, từ Điều 8 đến Điều 14.

- Chương III: Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KTNN, gồm Điều 15 và Điều 16.

- Chương IV: Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, gồm 03 điều, từ Điều 17 đến Điều 19.

- Chương V: Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều 20 và Điều 21.

2. Về nội dung cơ bản của Pháp lệnh

2.1. Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh (Điều 1)

Pháp lệnh quy định về hành vi VPHC; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN.

Theo đó, hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về KTNN mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh này phải bị xử phạt VPHC.

Việc xử phạt hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp lệnh này đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN.

2.2. Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 4)

Căn cứ Luật Xử lý VPHC, Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đối tượng bị xử phạt VPHC là những chủ thể của hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN. Theo đó, đối tượng bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN được quy định tại Điều 4 gồm:

“1. Cá nhân quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.

2. Tổ chức quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.”

Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC, Pháp lệnh quy định tại khoản 3 Điều 4 như sau:

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.”

2.3. Về các hành vi vi phạm hành chính (Điều 5)

Điều 5 của Pháp lệnh quy định về hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật KTNN; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật KTNN; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN quy định tại Điều 68 của Luật KTNN.

2.4. Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6)

- Về hình thức xử phạt: Căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC, Pháp lệnh quy định về hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức như sau: Đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền.

- Về biện pháp khắc phục hậu quả: Căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC và để phù hợp với đặc thù hoạt động KTNN, Pháp lệnh quy định 02 biện pháp khắc phục hậu quả gồm:

“+ Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực;

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.”

2.5. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7)

Căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC, Pháp lệnh quy định:

- Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN của tổ chức là 100.000.000 đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là mức phạt áp dụng đối với hành vi VPHC của cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Về thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

2.6. Về các hành vi VPHC; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN

Căn cứ Luật Xử lý VPHC và Luật KTNN, Pháp lệnh đã quy định 07 điều (từ Điều 8 đến Điều 14) tương ứng với 07 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) tương ứng với đó là hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là các hành vi:

(i) Hành vi vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ (Điều 8)

(ii) Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán (Điều 9)

(iii) Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán (Điều 10)

(iv) Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán (Điều 11)

(v) Hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước (Điều 12)

(vi) Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán  (Điều 13)

(vii) Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (Điều 14)

2.6. Về thẩm quyền lập biên bản VPHC; thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả  (Chương III)

- Về thẩm quyền lập biên bản VPHC: Điều 15 quy định người có thẩm quyền lập biên bản, bao gồm: a) Kiểm toán viên nhà nước; b) Tổ trưởng Tổ kiểm toán; c) Phó Trưởng đoàn kiểm toán; d) Trưởng đoàn kiểm toán; đ) Kiểm toán trưởng.”

- Về thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Điều 16 Pháp lệnh đã quy định thẩm quyền của Trưởng đoàn kiểm toán và Kiểm toán trưởng trong việc xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, theo đó:

+ Trưởng đoàn kiểm toán có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 30.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 của Pháp lệnh này.

+ Kiểm toán trưởng có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực KTNN; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 của Pháp lệnh này.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn kiểm toán nhà nước chỉ có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi VPHC thuộc phạm vi, nội dung cuộc kiểm toán trong thời hạn kiểm toán theo quy định của Luật KTNN.

2.7. Về thủ tục xử phạt VPHC (Điều 42)

Thủ tục xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN được thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương III Phần thứ hai của Luật Xử lý VPHC.

2.8. Về khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN

Do KTNN có tính đặc thù, vì vậy, khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực KTNN đã quy định về tính đặc thù trong việc khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN. Cụ thể, Pháp lệnh quy định: “Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Xử lý VPHC. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt VPHC được thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật KTNN về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN và quy định khác của pháp luật có liên quan; quyền khởi kiện và giải quyết đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 69a của Luật KTNN về việc khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

2.9. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 18)

Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC được quy định theo khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, theo đó “Kiểm toán trưởng có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.”

2.10. Thi hành quyết định cưỡng chế

Việc thi hành quyết định cưỡng chế được thực hiện theo quy định tại Điều 88 của Luật Xử lý VPHC.

Đồng thời, để đảm bảo tính hiệu lực của Quyết định cưỡng chế, Pháp lệnh còn quy định: “Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN do KTNN chủ trì, lực lượng Cảnh sát nhân dân, Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý VPHC”.

2.11. Về hiệu lực thi hành

Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

2.12. Trách nhiệm tổ chức thi hành

Tại Điều 21 Pháp lệnh quy định “Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành.”

IV. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG

Việc ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa hết sức to lớn thể hiện bước tiến quan trọng trên phương diện lập pháp đối với lĩnh vực KTNN. Thực tiễn hoạt động của KTNN những năm qua cho thấy, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, như: Cản trở hoạt động kiểm toán, không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ việc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán… Tuy nhiên, những hành vi vi phạm đó chưa bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC đã làm giảm hiệu lực của hoạt động kiểm toán nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Nhà nước chưa có quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời, tạo sự răn đe mạnh mẽ đối với đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuân theo pháp luật KTNN, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LỆNH

Để chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi hành Pháp lệnh, ngày 27/3/2023, Tổng KTNN đã ký ban hành Kế hoạch số 926/KH-KTNN để triển khai các công việc cần thiết, cụ thể là:

1. Phổ biến, tuyên truyền nội dung của Pháp lệnh

Căn cứ Kế hoạch số 926/KH-KTNN, KTNN sẽ triển khai các công việc gồm: In và phát hành tài liệu phổ biến Pháp lệnh phục vụ một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành; tổ chức các hội nghị phổ biến Pháp lệnh cho đối tượng trong và ngoài ngành; phổ biến trên Báo kiểm toán, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, Cổng thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho công chức, cán bộ có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh.

2. Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh

KTNN đã tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước, theo đó KTNN tập trung rà soát các nội dung sau: Quy định về gửi báo cáo định kỳ; Quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; Quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; Quy định về ký biên bản kiểm toán, chấp hành quyết định kiểm toán; Quy định liên quan đến việc mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của KTNN; Quy định liên quan đến việc che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; Quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Bên cạnh đó, KTNN sẽ nghiên cứu, ban hành, in ấn, cấp phát sổ sách, biểu mẫu, giấy tờ và các tài liệu phục vụ công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN.

3. Theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thi hành Pháp lệnh

Thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực thi Pháp lệnh định kỳ và đột xuất; sơ kết, tổng kết việc thi hành Pháp lệnh theo quy định./.

CTV. Hữu Trinh

 

Tập tin đính kèm:
Hữu Trinh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.027.741
Truy cập hiện tại 335