Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Ngày cập nhật 22/03/2022

Ngày 26 tháng 6 năm 2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có 9 chương, 133 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nguyên tác cơ bản, các quy định tiến bộ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đồng thời sửa đổi những bất cập, hạn chế của Luật cũ và bổ sung quy định mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh phù hợp với quá trình thay đổi của đời sống xã hội.

 

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm 9 chương và 133 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung (có 7 điều, từ Điều 1 đến Điều 7), Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình; các hành vi bị cấm; nguyên tắc áp dụng Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan; áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình.

Chương II. Kết hôn (gồm 9 điều, từ Điều 8 đến Điều 16) Chương này quy định điều kiện về tuổi kết hôn, năng lực chủ thể trong kết hôn, những điều cấm trong kết hôn, đăng ký kết hôn và đường lối giải quyết đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật; giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Chương III. Quan hệ giữa vợ và chồng (gồm 34 điều, từ Điều 17 đến Điều 50,) Chương này quy định về quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng, việc đại diện cho nhau giữa vợ và chồng, nguyên tắc chung của chế độ tài sản của vợ chồng, chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định; bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản này.

Chương IV. Chấm dứt hôn nhân (gồm 16 điều, từ Điều 51 đến Điều 67) chương này quy định về ly hôn; hôn nhân chấm dứt do vợ, chồng chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết.

Chương V. Quan hệ giữa cha mẹ và con (gồm 34 điều, từ Điều 68 đến Điều 102) Chương này quy định về quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con; quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con khi ly hôn; hạn chế quyền của cha mẹ đối với con; căn cứ xác định cha, mẹ, con; nhận cha, mẹ, con; xác định con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Chương VI. Quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình (gồm 4 điều, từ Điều 103 đến Điều 106) Chương này quy định về các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản; nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau và nuôi dưỡng giữa các thành viên khác của gia đình.

Chương VII. Cấp dưỡng (gồm 14 điều, từ Điều 107 đến Điều 120); Chương này quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng; cấp dưỡng của một người cho nhiều người, nhiều người cho một người, cấp dưỡng trong từng quan hệ hôn nhân và gia đình; mức cấp dưỡng; phương thức cấp dưỡng; chấm dứt cấp dưỡng; người có quyền yêu cầu về cấp dưỡng.

Chương VIII. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (gồm 10 điều, từ Điều 121 đến Điều 130); Chương này quy định về nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật và áp dụng pháp luật trong một số quan hệ cụ thể về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Chương IX. Điều khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 131 đến Điều 133), Chương này quy định về điều khoản thi hành, bao gồm điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có những điểm mới cơ bản so với trước đây, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình, theo đó, Điều 7 quy định: "Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng". Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, nội dung quy định tại Điều 7 thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ hai, về nâng độ tuổi kết hôn: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Sở dĩ có việc thay đổi này là vì nếu quy định tuổi kết hôn của nữ là vừa bước qua tuổi 18 như trước đây là không thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện.

Thứ ba, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không cấm kết hôn đồng giới nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới, bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" nhưng quy định cụ thể "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Đây là sự nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay.

Thứ tư, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho phép mang thai hộ: chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo, song phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Theo đó, các cặp vợ chồng vì lý do nào đó không thể tự sinh con có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện, gồm: Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Luật được thông qua dựa trên nguyên tắc "người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ". Theo đó, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ 5 điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thứ năm, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 công việc nội trợ được coi như lao động có thu nhập. Điểm mới đáng lưu ý trong luật sửa đổi lần này là những quy định về giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Luật đã quy định rõ công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.

Thứ sáu, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định tài sản của vợ chồng:

Khi kết hôn: Quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Luật Hôn nhân và gia đình trước đây quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng, chủ yếu đề cập đến vấn đề đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp thì chưa được đề cập tới, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể: Việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn. Quy định này sẽ làm giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.

Thứ bảy, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn, bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1-1-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng.

Thứ tám, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ đối với con khi ly hôn: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Quy định trước đây "về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác" được thay bằng "con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Với những điểm đổi mới như trên, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chắc chắn sẽ giải quyết được những quan hệ phức tạp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình tại địa phương hạnh phúc, văn minh, bắt kịp xu thế phát triển của xã hội.

CTV Hữu Trinh

 


 

 

Tập tin đính kèm:
Hữu Trinh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.032.216
Truy cập hiện tại 510