I. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
Luật gồm 02 điều với các nội dung như sau:
1. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS
1.1. Khoản 1 Điều 1 Luật quy định:
“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 như sau:
“3. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.”.”.
Tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) để bảo đảm phù hợp với thực tiễn hiện nay lực lượng Công an xã đã được tổ chức chính quy, tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ địa bàn cấp cơ sở.
1.2. Tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 Luật quy định:
“2. Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau:
“c) Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.”.
5. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229 như sau:
“d) Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.”.
6. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247 như sau:
“d) Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.”.”.
Theo đó, các khoản này đã: (i) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; (ii) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra; (iii) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Việc sửa đổi, bổ sung tại các điều trên của BLTTHS để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng. Nhiều vụ việc, vụ án đã phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ hoặc không thể tiến hành được đầy đủ các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, kết luận điều tra, quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra; điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong Nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này đã tạo cơ sở pháp lý làm căn cứ giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên; đồng thời, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi vì khi không thể tiến hành được các hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc thì có căn cứ pháp luật để cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; kiểm soát tội phạm; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Đồng thời, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và BLTTHS năm 2015, tại các khoản này của Luật cũng quy định giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.
1.3. Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1 Luật quy định:
“3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 như sau:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 như sau:
“8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.”.”.
Theo đó, 02 khoản này đã: (i) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; (ii) sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lưu ý, cần chủ động trong việc khởi tố vụ án, xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chủ động, không phụ thuộc vào việc phải có yêu cầu khởi tố của bị hại.
Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS. Tuy nhiên, Luật thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý để tương tự với cơ chế bảo vệ bằng thủ tục tố tụng hình sự đối với nhãn hiệu, qua đó, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Quy định này xuất phát từ tính chất, đặc điểm, vị trí, vai trò của chỉ dẫn địa lý, cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật thì nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều được sử dụng để chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ; việc xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, người tiêu dùng, trật tự thị trường.
Thứ hai, nếu như nhãn hiệu chỉ là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu; thì chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng, là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm có nguồn gốc từ các khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia khác nhau và thuộc sở hữu của Nhà nước.
Thứ ba, mặc dù tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý là các chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng những chủ thể này không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó nên tính chủ động trong việc đưa ra yêu cầu khởi tố vụ án để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là không cao; còn Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu quyền nhưng trên thực tế, việc Nhà nước chủ động yêu cầu khởi tố hành vi xâm phạm quyền nêu trên là khó khả thi.
Thứ tư, việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý thông qua quy định cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền chủ động khởi tố vụ án liên quan, sẽ góp phần bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và phát huy những tác động tích cực khác đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn nữa, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đều có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý ở 01 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm sự công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.
2. Điều 2. Điều khoản thi hành
Điều này bao gồm 02 khoản, cụ thể:
- Nội dung liên quan đến trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã được quy định tại BLTTHS, Luật TCCQĐTHS, Luật Công an nhân dân năm 2018, Pháp lệnh Công an xã năm 2008.
Hiện nay, Công an xã đã được tổ chức chính quy 100% nên Công an xã đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Công an nhân dân; trong đó, có những quy định chung về nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (Luật Công an nhân dân không quy định nhiệm vụ cụ thể của Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm). Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) tại Điều 146 BLTTHS không mâu thuẫn với quy định của Luật Công an nhân dân và Pháp lệnh Công an xã.
Đối với Luật TCCQĐTHS thì tại Điều 44 của Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tương tự với Điều 146 BLTTHS. Do vậy, khoản 1 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Khoản 2 Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật.
II. CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN LUẬT
Nhà nước cần bố trí một khoản kinh phí cho việc tổ chức thực hiện: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật. Việc triển khai thi hành Luật không đòi hỏi phải hình thành thêm bộ máy.
III. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT
1. Chính sách 1: cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại
(Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại đối với tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu).
1.1. Tác động về kinh tế
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: việc thực hiện chính sách khởi tố vụ án hình sự về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại sẽ dẫn đến số vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có thể tăng so với quy định hiện hành; từ đó, sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước.
- Đối với tổ chức, cá nhân: giảm chi phí phát sinh liên quan đến yêu cầu khởi tố vụ án.
b) Tác động tiêu cực
- Đối với Nhà nước: số vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có thể tăng so với quy định hiện hành, từ đó, có khả năng dẫn tới việc tăng khối lượng công việc cho các cơ quan và do đó, có thể tăng chi phí cho các hoạt động tố tụng giải quyết các vụ án này. Đồng thời, phát sinh chi phí xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung; chi phí nghiên cứu, tập huấn, phổ biến các quy định mới của Luật. Tuy nhiên, các khoản chi phí này so với lợi ích mà chính sách đem lại là không đáng kể.
- Đối với tổ chức, cá nhân: không có.
1.2. Tác động về xã hội
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: việc sửa đổi BLTTHS theo hướng như trên thể hiện sự nghiêm túc của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi các cam kết tại Hiệp định CPTPP nói riêng và các cam kết trong các hiệp định hợp tác phát triển kinh tế song phương và đa phương nói chung mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia; cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; góp phần bảo vệ sớm và triệt để quyền sở hữu công nghiệp, bảo đảm mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được quy định tại khoản 1 Điều 226 BLHS được xử lý hình sự một cách nghiêm minh. Thông qua đó, góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà trực tiếp là tổ chức, cá nhân là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
- Đối với tổ chức, cá nhân: bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; từ đó, tạo niềm tin, sự yên tâm trong quá trình hợp tác, đầu tư, kinh doanh.
b) Tác động tiêu cực
- Đối với Nhà nước: không có.
- Đối với tổ chức, cá nhân: tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu không còn quyền quyết định, cân nhắc việc có khởi tố vụ án hay không.
1.3. Đánh giá tác động đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng có liên quan
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hình sự; làm phát sinh nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan, cá nhân này trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.
2. Chính sách 2: tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý bằng thủ tục tố tụng hình sự
(Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS và khoản 8 Điều 157 BLTTHS theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại đối với tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý).
2.1. Tác động về kinh tế
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: Việc sửa như trên sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước chủ động kiến nghị khởi tố thông qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố vụ án, không phụ thuộc vào việc phải có yêu cầu khởi tố của bị hại sẽ góp phần bảo vệ tài sản quốc gia, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đồng thời, bảo đảm sự phát triển kinh tế của địa phương và đất nước.
Tính đến ngày 15/6/2021, đã có 107 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 99 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam[1]. Cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chủ yếu là nông sản; trong đó, nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài như Nước mắm Phú Quốc, Vải thiều Lục Ngạn, Cà phê nhân Buôn Ma Thuột, Xoài Cát Hòa Lộc, Xoài tròn Yên Châu, Gạo Tám Xoan Hải Hậu, Quả Thanh long Bình Thuận,… mang lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương và đất nước. Tuy nhiên, trên thị trường Viện Nam còn xuất hiện nhiều sản phẩm không được sản xuất tại các địa phương có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhưng lại mang chỉ dẫn địa lý đó, gây ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm, tác động đến sự đánh giá về chất lượng sản phẩm trong cách nhìn của người tiêu dùng, bao gồm cả người nước ngoài ở Việt Nam. Ví dụ như trường hợp nước mắm Phú Quốc, hiện có khoảng 80-90% nước mắm mang chỉ dẫn địa lý này trên thị trường là giả mạo. Việc cho phép cơ quan quản lý nhà nước chủ động kiến nghị khởi tố hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố vụ án đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý sẽ giúp tăng thêm tính răn đe, ngăn ngừa tội phạm, từ đó bảo vệ hình ảnh, uy tín về chất lượng sản phẩm, tiếp tục gia tăng giá trị xuất khẩu và tiêu dùng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được Nhà nước ta bảo hộ đối với địa phương có sản phẩm này (Phú Quốc, Khánh Hòa…). Do đó, việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý bằng thủ tục tố tụng hình sự sẽ góp phần rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương; phát triển kinh tế địa phương và đất nước; bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.
- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: việc cho phép cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể chủ động khởi tố vụ án đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không cần có yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đồng thời, giảm chi phí phát sinh liên quan đến yêu cầu khởi tố vụ án.
b) Tác động tiêu cực
- Đối với Nhà nước: số vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có thể tăng so với quy định hiện hành, từ đó, có khả năng dẫn tới việc tăng khối lượng công việc cho các cơ quan và do đó, có thể tăng chi phí cho các hoạt động tố tụng giải quyết các vụ án này. Đồng thời, phát sinh chi phí xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung; chi phí nghiên cứu, tập huấn, phổ biến các quy định mới của Luật. Tuy nhiên, các khoản chi phí này so với lợi ích mà chính sách đem lại là không đáng kể.
- Đối với tổ chức, cá nhân: không có.
2.2. Tác động về xã hội
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước:
Thứ nhất, việc sửa đổi BLTTHS theo hướng như trên giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động trong việc xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, qua đó, tăng thêm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm và tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, việc phát hiện, xử lý vi phạm sẽ đạt hiệu quả cao hơn vì cho phép cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiến nghị khởi tố đối với các hành vi xâm phạm đến mức phải xử lý hình sự; tiếp tục bảo đảm sự thống nhất về chính sách hình sự nói chung trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý từ trước đến nay, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử; bảo đảm mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được quy định tại khoản 1 Điều 226 BLHS đều được xử lý hình sự một cách nghiêm minh; phù hợp với xu thế tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Qua đó, góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, khi việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được tăng cường bằng thủ tục tố tụng hình sự, cụ thể là bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì các giá trị bản địa ở từng địa phương, khu vực sẽ càng được bảo tồn và phát triển. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, việc đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền này còn được coi là cơ sở quan trọng để người lao động, đặc biệt là thanh niên ở các địa phương, vùng nông thôn không những không rời bỏ nông thôn để ra thành thị làm ăn mà còn cảm thấy tự hào khi ở lại quê hương, tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương. Kinh tế địa phương được phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, người lao động có công ăn việc làm, tập trung vào lao động, sản xuất, sẽ khiến các tệ nạn xã hội ở địa phương giảm dần. Đồng thời, người dân cũng có những cơ hội trở thành đại sứ giới thiệu cho khách du lịch về các giá trị của địa phương mình. Điều này sẽ tạo nên sự cân bằng, ổn định về cơ cấu, mật độ dân số; ổn định, phát triển kinh tế, xã hội; góp phần bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống; từ đó, bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương và quốc gia.
- Đối với tổ chức, cá nhân: góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, từ đó, bảo đảm sự yên tâm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bảo vệ tốt hơn lợi ích của người tiêu dùng.
b) Tác động tiêu cực
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: không còn quyền quyết định, cân nhắc việc có yêu cầu khởi tố vụ án hay không.
2.3. Đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng có liên quan
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ tăng thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, đạt được các mục đích đối với Nhà nước, xã hội và không gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
3. Chính sách 3: tăng cường trách nhiệm của Công an xã trong hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm
(Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS và luật khác có liên quan theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an)).
3.1. Tác động về xã hội
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trong quy định của BLTTHS. Từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ổn định an ninh trật tự tại địa bàn cấp xã. Tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện vì hầu hết đã được đào tạo nghiệp vụ điều tra, từng công tác tại các phòng, đội có thẩm quyền điều tra, từng đảm nhiệm chức danh Trinh sát viên. Bảo đảm hiệu quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm do đã được kiểm tra, xác minh sơ bộ từ cấp xã, tránh để mất dấu vết tội phạm, nhất là đối với các xã địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn.
- Đối với tổ chức, cá nhân: việc quy định theo hướng mở rộng trách nhiệm cho Công an xã tạo điều kiện cho lực lượng này làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và công tác điều tra hình sự nói riêng trên địa bàn xã, tạo điều kiện để tổ chức, người dân sinh sống, làm việc, học tập trong môi trường an toàn, yên tâm làm việc, sản xuất, kinh doanh; tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân khi tố giác, báo tin về tội phạm do tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm tra, xác minh sơ bộ ngay từ cấp cơ sở; tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm của Công an xã.
b) Tác động tiêu cực: không có.
3.2. Tác động về kinh tế
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: việc quy định theo hướng mở rộng trách nhiệm cho Công an xã sẽ giúp tình hình an ninh trật tự tại địa phương được ổn định hơn, qua đó sẽ tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế, đời sống vật chất người dân được nâng lên.
- Đối với tổ chức, cá nhân: việc quy định theo hướng mở rộng trách nhiệm cho Công an xã sẽ giúp tình hình an ninh trật tự tại địa phương được ổn định hơn, qua đó, tổ chức, cá nhân yên tâm sinh sống, làm việc, học tập, nâng cao khả năng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
b) Tác động tiêu cực
- Đối với Nhà nước: phát sinh chi phí xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung; chi phí nghiên cứu, tập huấn, phổ biến các quy định mới của Luật nhưng chi phí này là không đáng kể.
- Đối với tổ chức, cá nhân: không có.
3.3. Đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng có liên quan
Việc sửa đổi như trên sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
4. Chính sách 4: xây dựng cơ sở pháp lý để giải quyết vụ án, vụ việc ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh
(Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra; tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố vì lý do bất kháng do thiên tai, dịch bệnh).
4.1. Tác động về xã hội
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: giải pháp này sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khi tiến hành điều tra và khi tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố ra quyết định tạm đình chỉ bảo đảm có căn cứ pháp luật; không xảy ra tình trạng vi phạm về thời hạn tố tụng, tránh việc phải ra các quyết định tố tụng (quy định tại các điều 147, 229, 230, 232, 233, 234 và 240 BLTTHS) không có căn cứ. Từ đó, góp phần không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội, không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việc sửa đổi, bổ sung theo giải pháp này cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với người bị buộc tội, do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, giải pháp này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; góp phần cùng với chính quyền địa phương tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả sau thiên tai, dịch bệnh.
Việc xây dựng văn bản quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” cũng sẽ tránh lạm dụng hoặc để xảy ra hậu quả trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, bảo đảm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.
- Đối với tổ chức, cá nhân: việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án, vụ việc hình sự “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố sẽ bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân của người bị buộc tội; tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng; giúp cá nhân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, từ đó, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.
b) Tác động tiêu cực
- Đối với Nhà nước: việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” có thể có dư luận xã hội về thời gian giải quyết vụ án, vụ việc bị kéo dài nhưng bản chất của việc kéo dài là khách quan, bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
- Đối với tổ chức, cá nhân: việc giải quyết vụ án, vụ việc hình sự sẽ bị kéo dài nhưng bản chất của việc kéo dài là do điều kiện khách quan, bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
4.2. Tác động về kinh tế
a) Tác động tích cực
- Đối với Nhà nước: không phát sinh chi phí tố tụng, giảm chi phí trong việc đi lại, mua sắm trang thiết bị bảo hộ, thực hiện xét nghiệm y tế; hạn chế các chi phí liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định khởi tố vụ án, kết luận điều tra đề nghị truy tố và quyết định việc truy tố; không phát sinh chi phí bồi thường thiệt hại của Nhà nước; giảm các chi phí liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam.
- Đối với tổ chức, cá nhân: việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” sẽ hạn chế các chi phí liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo khi cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng.
b) Tác động tiêu cực
- Đối với Nhà nước: phát sinh chi phí xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung và xây dựng văn bản quy định chi tiết; chi phí nghiên cứu, tập huấn, phổ biến các quy định mới của pháp luật nhưng chi phí này là không đáng kể.
- Đối với tổ chức, cá nhân: không có.
4.3. Tác động về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
Việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra; tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố vì lý do bất kháng do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu không bổ sung căn cứ tạm đình chỉ theo giải pháp này thì các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội do đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố. Do đó, giải pháp này không làm thay đổi bản chất của việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.
4.4. Đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng có liên quan
Việc sửa đổi như trên sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hình sự.
CTV Hữu Trinh