Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Ý nghĩa và tầm quan trọng của luật Quốc phòng năm 2018
Ngày cập nhật 23/11/2018

Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương, 11 điều so với Luật Quốc phòng 2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

LUẬT QUỐC PHÒNG NĂM 2018

Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương, 11 điều so với Luật Quốc phòng 2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại. Luật Quốc phòng năm 2018 có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hình thái chiến tranh tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới.

Luật Quốc phòng năm 2018 quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng (Điều 4) nhằm bảo đảm công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 6), nhất là bình đẳng giới, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Về nền quốc phòng toàn dân, Luật Quốc phòng năm 2018 đã quy định cụ thể 11 nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân (khoản 2, điều 7). Đây là nội dung cơ bản có tính xuyên suốt của hoạt động quốc phòng.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng (tại điểm e khoản 2 Điều 7, điểm c khoảng 2 Điều 8, điểm đ khoản 2 Điều 9) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Liên quan đến phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ, Luật đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu (Điều 8) để phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xây dựng và lịch sử phát triển trên 70 năm của các quân khu.

Luật cũng quy định đối ngoại là một trong những tiềm lực trong khu vực phòng thủ (điểm b khoản 2 Điều 9). Đây là sự phát triển mới nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ xa, từ sớm”. Đồng thời, bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (khoản 3 Điều 9), để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.

Với nội dung kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan (điểm d khoản 2 Điều 15). Đồng thời, quy định một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng (điểm e khoản 2 Điều 15) để thể chế Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Kết luận số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Với công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương, Luật quy định bộ, ngành Trung ương có ban chỉ huy quân sự (khoản 2 Điều 16) để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp (khoản 3 Điều 16) để phù hợp với thực tiễn đã và đang thực hiện.

Những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật (khoản 6 Điều 21), giới nghiêm (khoản 5 Điều 22) cũng được quy định phù hợp với Điều 14 Hiến pháp 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Về nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, Luật quy định đầy đủ các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân (khoản 2 Điều 24) nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, khắc phục chồng chéo về nhiệm vụ của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ trong các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhằm thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội Nhân dân, phù hợp với truyền thống và thực tiễn xây dựng chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân hơn 70 năm qua, Luật quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ lực lượng này (khoản 2 Điều 25). Theo đó, Nhà nước xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại (khoản 3 Điều 24).

Đối với Công an nhân dân, Luật quy định đầy đủ, toàn diện (Điều 26), nhất là ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng của Công an nhân dân để thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về bảo đảm quốc phòng, Luật quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại (Chương V) bảo đảm toàn diện, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Luật cũng quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 2 Điều 35). Các nội dung bảo đảm thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, phù hợp với 7 Nghị quyết và 1 Kết luận của Trung ương về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để các chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình về quốc phòng, Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 34), bộ, ngành Trung ương (Điều 38), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (Điều 39).

Ngoài ra, Luật Quốc phòng năm 2018 đã luật hóa một số quy định tại một số văn bản dưới luật về quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự, bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn.

 

Hữu Trinh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.035.893
Truy cập hiện tại 32