Pháp lệnh ưu đãi người có công và các văn bản hướng dẫn cũng có quy định nghiêm cấm, chế tài đối với hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.
* Xác định đối tượng được thụ hưởng
Theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh), tại Điều 3, Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định, người có công với cách mạng gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh.
Ngoài ra, còn có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.
Tại Chương 2, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công cũng đã quy định, hướng dẫn chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ công nhận, giải quyết và thời điểm hưởng chế độ ưu đãi đối với từng loại đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Do đó, theo luật sư Lưu Hồng Khanh, các gia đình chính sách muốn biết mình thuộc đối tượng nào, hưởng chính sách gì, làm thủ tục hưởng ra sao… nên tham khảo Nghị định 131/2021/NĐ-CP để thực hiện cho đúng.
* Nghiêm cấm hành vi gian dối
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, tùy từng loại đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng sẽ được xác định và được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi khác nhau. Trên cơ sở đó, đối tượng có công và thân nhân người có công với cách mạng thuộc đối tượng ưu đãi nào thì được hưởng chế độ ưu đãi đó. Người có công với cách mạng thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng.
Ngoài ra, tại Điều 55 của Pháp lệnh ưu đã người có công quy định, người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết định công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận. Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.
Đồng thời, người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
Nguồn Copy